Cứ đến dịp kỷ niệm 30/4 hằng năm, trên mạng internet, những người đã bị cách mạng xóa bỏ đặc quyền khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng và những lực lượng cực đoan về chính trị ở Hoa Kỳ tiếp tục điệp khúc cũ mòn, tìm cách xuyên tạc chiến thắng vĩ đại – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Lại là những câu từ sáo rỗng như “30 tháng tư là ngày quốc hận”; ngụy biện cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc của toàn dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”…
Để nhận thức rõ giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 thì cần phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, tôn trọng sự thật. Cho dù cuộc kháng chiến đã lùi xa 44 năm hay lâu dài hơn nữa thì lịch sử dân tộc và thế giới đều ghi nhận và chúng ta phải luôn khẳng định, tự hào về thắng lợi của một cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ, vĩ đại vì nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trên thực tế, chính những người trong cuộc là Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng đều đã thừa nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam; chỉ một bộ phận chống cộng, mang nặng hận thù và những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày nay mới tin vào những luận điệu như chiến tranh ý thức hệ, nội chiến hay quan điểm lập lờ “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”(!).
Nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện 30/4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù… để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt”.
Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người được xem là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã rút ra 11 sai lầm một cách tồi tệ, đáng chú ý nhất là đã lẫn lộn cuộc đấu tranh ý thức hệ với cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cả một dân tộc. Ông viết: “Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ là mở rộng làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ”.
Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”.
Theo các tài liệu mới được giải mật của chính quyền Mỹ, ngày 27/9/1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ xác định mục tiêu lâu dài của Mỹ là “thủ tiêu ở mức tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ”. Ngày 30/12/1949, Tổng thống Mỹ S.Truman phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, trong đó nêu rõ: “Mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương… Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng, thân Mỹ”. Điều này cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Bác Hồ đã sớm nhìn thấy âm mưu đen tối của Mỹ. Từ 1950, Bác đã chỉ ra sự dính líu và can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Ðông Dương. Ðể tranh thủ hòa bình, Bác đã 11 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ S.Truman…” nhưng không có phản hồi.
Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người Mỹ gốc Việt, một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam cộng hòa từng có nhiều bài viết phân tích sâu sắc về cuộc chiến tranh. Ông viết: “Mỹ không có lý do nào chính đáng để can thiệp vào Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Mỹ đã bất kể đến công pháp quốc tế, không dựa trên pháp lý mà dựa trên “luật rừng” và “cường quyền thắng công lý” để can thiệp vào Việt Nam với ý đồ “bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực”…
Tướng Nguyễn Hữu Có, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Việt Nam cộng hòa, sau này trả lời phóng vấn Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, nói: “Chiến thắng 30/4 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam… Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại”.
Cựu thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ nhận xét về việc gọi ngày 30/4 là “quốc hận” và đòi “phục quốc”: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây… đâu mà phục quốc?”.
Lịch sử khắc ghi vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào cách mạng Việt Nam. Nhờ có lý luận cách mạng đó mà dân tộc ta đã giành được những thắng lợi có giá trị thời đại.
Để bảo vệ thành quả Chiến thắng 30-4, chúng ta cần kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo con đường lịch sử đã lựa chọn. Sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn… không chỉ là hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất mà còn là sự phá hoại tương lai của dân tộc.