Vận động hành lang (lobby) – “trò hối lộ hợp pháp” trên chính trường Mỹ.

Hoạt động vận động hành lang (lobby) – vẫn được mệnh danh là “trò hối lộ hợp pháp” tại Mỹ đã đạt tới mốc kỷ lục. Trong năm 2018, chỉ riêng các tập đoàn truyền thông khổng lồ của Mỹ đã chi vào việc vận động hành lang cho các quyền lợi của mình hơn 80 triệu đôla, một kỷ lục mới trong lịch sử nước này.

Cho dù hoạt động của các chuyên gia vận động hành lang được luật pháp Mỹ cho phép, nhưng các phương pháp tiến hành cũng như yêu sách của các công ty thuê mướn họ đang làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng báo động. Chẳng hạn như việc tổ chức những bữa ăn tối thịnh soạn có mời các chính trị gia sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi cho các công ty đã trở thành “chuẩn mực” rất bình thường.

Hậu quả kéo theo của tình trạng trên chính là sự gia tăng độc quyền, phá sản, kéo theo hàng triệu dân thường tại Mỹ trở thành nạn nhân. Ranh giới vô hình giữa bảo vệ quyền lợi và hối lộ chính trị trắng trợn tại Mỹ đang dần bị xóa nhòa…

Hối lộ hợp pháp

Các ông lớn truyền thông hàng đầu của Mỹ đang vung tay chi những số tiền rất lớn để vận động cho quyền lợi của mình trong giới chính trị gia cao cấp cũng như mua sự ủng hộ của các nhà làm luật.

Đánh giá trên có được là nhờ kết quả nghiên cứu của Hãng tư vấn Comparitech, theo đó chỉ tính trong giai đoạn 1998-2018, giới kinh doanh truyền thông Mỹ đã chi tổng cộng 1,2 tỉ đôla cho việc vận động hành lang quyền lợi của mình. Số tiền chi cho các nhà làm luật trong quốc hội Mỹ cũng tăng lên nhanh chóng hàng năm.

Những người biểu tình phản đối chính sách lobby tại Washington vào năm 2011 trong khuôn khổ chiến dịch “Occupy Wall Street.

Nếu như vào năm 2011, con số này chỉ ở mức dưới 71 triệu đôla, thì đến năm 2018 đã nhảy lên thành 80 triệu đôla, đạt tới mức kỷ lục trong lịch sử.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng, việc vận động hành lang đơn giản chỉ là những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng lên ý kiến của công luận trong quá trình bầu cử hay trưng cầu dân ý. Nhưng trên thực tế, khái niệm này có thể là bất cứ trường hợp nào khi tiền được bỏ ra để tạo ảnh hưởng tới các nhà lập pháp hay quan chức tại địa phương hay liên bang.

Chẳng hạn như tại Mỹ, khi giới kinh doanh bỏ tiền chi cho các hoạt động thẩm định pháp lý hay nghiên cứu để giúp các nghị sĩ giảm bớt gánh nặng trong việc soạn thảo các đạo luật cũng được coi là một hình thức lobby.

Ngoài ra, khái niệm trên còn mở rộng với việc các công ty bỏ tiền tổ chức những bữa tiệc với các quan chức đại diện chính quyền, tổ chức những “hội nghị thông tin”, và tất nhiên cả việc ủng hộ tài chính trực tiếp cho các chính trị gia trong khuôn khổ các chiến dịch tranh cử.

Tại Mỹ hiện nay đang có khoảng 50 thực thể chính thường xuyên bỏ tiền để vận động cho quyền lợi của mình, trong đó có 42 đại diện của giới kinh doanh, số còn lại là những tổ chức phi kinh doanh nhưng vẫn có nhu cầu gây ảnh hưởng tới chính sách.

Chẳng hạn như Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ đã vung tiền chi cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump tới 32 triệu đôla, do lo ngại ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton trong trường hợp thắng cử sẽ xiết chặt việc kiểm soát buôn bán vũ khí. Đây cũng là mức đầu tư kỷ lục vào việc lobby của tổ chức này.

“Cuộc chiến” ngày càng đắt đỏ

Tích cực hơn cả trong các hoạt động lobby là các tập đoàn truyền thông Mỹ. Chẳng hạn như những nhà khổng lồ như AT&T, Verizon và Comcast chỉ trong vòng 20 năm gần đây đã chi cho các chính trị gia số tiền lần lượt là 341, 265 và 200 triệu đôla.

Một xu hướng khác của lobby được các công ty viễn thông tận dụng là để triệt hạ với các đối thủ cạnh tranh. Chính AT&T, Verizon và nhiều ông lớn khác đã tìm cách loại bỏ khỏi thị trường các đối thủ cạnh tranh có qui mô nhỏ hơn bằng cách bãi bỏ một số tiêu chí trong luật viễn thông có hiệu lực từ năm 1996.

Cuộc chiến lobby gay gắt nhất được đánh giá đang diễn ra tại California, bang đông dân và giàu có nhất nước Mỹ với GDP riêng trong năm 2018 là 3.000 tỉ đôla.

Tại bang này, cứ mỗi một nghị sĩ trung bình có tới 30 nhóm lobby chính thức chuyên làm nhiệm vụ vận động quyền lợi cho khách hàng. Đây không phải là tỉ lệ quá đặc biệt tại Mỹ nếu biết rằng, có tới 49 trong tổng cộng 50 bang của Mỹ có số chuyên gia lobby đăng ký chính thức còn nhiều hơn cả số lượng quan chức.

Bang California đang chứng kiến cuộc đối đầu khá quyết liệt giữa nhiều ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến đạo luật của địa phương về tính bất khả xâm phạm tới cuộc sống riêng tư của công dân. Vấn đề là đạo luật ban hành từ năm 1972 này mới được bổ sung thêm một số điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn các công ty có thể tiếp cận và lợi dụng thông tin cá nhân trên Internet.

Theo đó, người dân California phải có quyền được biết những thông tin nào về họ đang bị thu thập, bán lại hay tiết lộ v.v… Một phe trong trận chiến này – gồm có Comcast, AT&T, Verizon, Facebook và Google – rất tích cực sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng khi bán quảng cáo, đã chính thức tuyên chiến với đạo luật trên.

Trong khi một số ông lớn khác ở phe bên kia như Microsoft, Apple, Salesforce và một loạt các công ty khác lại ủng hộ và tuyên bố sẽ vận động để đạo luật trên có thể áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Không chỉ dừng ở chuyện tuyên bố, cả hai bên đang rất tích cực lobby cho quyền lợi của mình liên quan đến đạo luật trên tại Nhà Trắng và Quốc hội. Điển hình như các ông lớn về truyền thông đã chi hàng triệu đôla để ủng hộ một số ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cầm quyền nhằm ngăn chặn nguy cơ áp dụng đạo luật tại California trên khắp nước Mỹ, qua đó áp dụng một số điều khoản mang tính mềm dẻo hơn ở tầm cỡ liên bang.

ANTG (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *