Sau khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội, ngày 15/4/2020 trên trang fFacebook “Giáo xứ Đan Sa” (Giáo xứ Đan Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã đăng tải thông tin cho rằng “đã hết thời gian cách ly toàn xã hội” và nhà thờ giáo xứ Đan Sa sẽ mở cửa trở lại, “Thánh lễ sẽ được nhiều người tham dự như xưa…”. Sự việc trên đã khiến nhiều người dân địa phương không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Vậy việc mở cửa nhà thờ và tổ chức các hoạt động tôn giáo như bình thường sau ngày 15/4 tại Quảng Bình là đúng hay sai?

Có thể thấy rằng, đầu tiên, việc Giáo xứ Đan Sa tái tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung đông người trong thời điểm này là thực hiện trái với Thông báo số 03 ngày 27/3/2020 của Tòa Giám mục giáo phận Hà Tĩnh về các lưu ý trong phụng vụ để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu “cử hành thánh lễ với một số rất ít người tham gia…”, áp dụng trên toàn giáo phận từ ngày 28/3/2020 cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, giáo xứ Đan Sa cũng vi phạm Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch Covid-19 khi hiểu sai về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống, dịch tại các địa phương có nguy cơ thấp sau ngày 15/4/2020.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 15/4, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như: các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm… Trên cơ sở đó, đồng ý phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng các nhóm này không phải là bất biến, mà “động” luôn có thể thay đổi. Địa phương đang ở nhóm nguy cơ thấp có thể thành nguy cơ trung bình, thậm chí là nguy cơ cao. Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ chỗ nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện.
Tỉnh Quảng Bình nằm trong nhóm 35 địa phương có nguy cơ thấp, đối với nhóm này Thủ tướng chỉ đạo các địa phương không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ , đặc biệt là các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, gồm:
– Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
– Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
– Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
– Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Đến nay, ghi nhận tại nhiều địa phương ở Quảng Bình, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, phần lớn người dân vẫn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Riêng tại giáo xứ Đan Sa, linh mục và giáo dân vẫn đang hiểu sai về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên chủ quan, cho rằng nguy cơ dịch đã qua. Việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung tại một giáo xứ với hơn 4000 giáo dân này là rất nguy hiểm trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, có thể gây mất kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Thiết nghĩ, linh mục, giáo dân tại giáo xứ Đan Sa nên nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của giáo hội, cụ thể là hướng dẫn của Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, không nên vội vàng, chủ quan, cầm đèn chạy trước ô tô như vậy bởi hậu quả mà nó mang lại là không thể lường hết được.
Trần Phong