Chuyện “đặt tay chữa bách bệnh” tại Giáo điểm tin mừng dưới cái nhìn của một linh mục

Tác giả: linh mục Đỗ Minh Thăng, chánh xứ Đại An (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Thời gian gần đây, nhiều giáo dân, trong đó có cả giáo dân của tôi hỏi rằng: “Gần đây, nhiều người lên án cha Long sai điều này, điều kia, ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng lên tiếng, cha nghĩ thế nào? Có phải là các Đức Cha, và các Cha thấy Cha Long giảng hấp dẫn và thu hút được nhiều người nên ghen ghét không? Chúng con có nên tiếp tục đến Giáo Điểm Tin Mừng nữa không?”

Dựa theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, cụ thể là những hướng dẫn mới đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGM VN), tôi xin được chia sẻ cái nhìn của tôi về cha Giuse Trần Đình Long.

Cha Long ban đầu là linh mục thuộc Dòng Thánh Thể, sau đó ngài chuyển vào Giáo Phận Tp. HCM, với vai trò phụ trách Giáo Điểm Tin Mừng (GĐTM) ở Nhà Bè.

Khi còn là chủng sinh, có lần tôi đã đến tham dự Thánh lễ kính Lòng Chúa thương xót do cha Long dâng. Hôm đó, tôi chứng kiến cha Long với linh đạo Lòng Chúa Thương Xót, cha có tài giảng thuyết thu hút hàng ngàn người quy tụ về nghe giảng, thánh lễ thì kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Thế mà dòng người cứ ùn ùn kéo về, người bên lương có, người bên giáo có. Họ cùng với cha cầu nguyện khẩn nài xin Chúa thương xót chữa lành.

Có nhiều người sau đến với cha Long, họ được ơn biến đổi, cụ thể ở Giáo xứ Đại An nơi tôi đang coi sóc, có gia đình lương dân, sau khi đến với cha Long tại GĐTM, cả gia đình đã trở lại đạo và sống một đời sống tốt lành. Tôi còn biết nhiều người được ơn hoán cải nữa. Còn các phép lạ chữa lành bệnh tật thì tôi không rõ vì chưa có kiểm chứng của Giáo hội.

Còn về giảng thuyết, thú thật, cha Long có tài giảng rất thu hút và hấp dẫn hơn rất nhiều linh mục, thậm chí hơn cả một số giám mục nữa. Và những bài giảng lễ của cha Long còn được thu âm vào máy để giáo dân không có điều kiện đến GĐTM, có thể nghe ở nhà. Xứ tôi có bà kia mở máy nghe cha Long giảng cả ngày, cả đêm. Bà ta mua 2 máy, hết pin máy này thì nghe máy kia.

Với những ưu điểm vừa kể trên, tại sao Cha Long lại bị nhắc nhở, bị công kích như vậy?

Có không ít người nói rằng vì cha Long nổi tiếng và giảng hay hơn, thu hút hơn các cha nên cha Long bị các cha ghen ghét, và bị HĐGM VN “dìm hàng”.

Tôi không nghĩ như vậy. Đối với tôi, nếu giáo dân của tôi sau khi đến với cha Long, mà được Chúa biến đổi sống tốt hơn thì tôi phải tạ ơn Chúa và cám ơn cha Long chứ !

Còn ai mà nói HĐGM Việt Nam “dìm hàng” cha Long là hoàn toàn không chính xác và xúc phạm đến các đấng vì HĐGM VN có trách nhiệm hướng dẫn và bảo vệ đức tin của con dân Việt Nam. Khi thấy những điều sai lạc làm ảnh hưởng đến đức tin của giáo dân thì HĐGM VN có bổn phận phải nhắc nhở và hướng dẫn để đi theo đúng đường lối Chúa muốn.

Dựa vào thư chung THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VỀ MỘT SỐ LƯU Ý TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN của HĐGM VN và dựa VÀO NHỮNG GIẢI THÍCH CỦA ỦY BAN PHỤNG TỰ VỀ QUY ĐỊNH VỀ GIẢNG LỄ, ĐẶT TAY VÀ RẢY NƯỚC PHÉP, tôi thấy nơi cha Long đang có những biểu hiện sai lạc.

Giờ đây, chúng ta thử đọc một số quy định của Giáo Hội sau đó chúng ta thứ phân tích, đối chiếu.

Giáo Hội quy định:
“- Các Kinh nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành theo đúng Sách Nghi Thức Rôma. Trong giáo phận, mọi cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của Bản quyền Giáo phận.

Không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ. Không được lẫn lộn các buổi cầu nguyện không thuộc Phụng vụ với những cử hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc.

– Việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là trực tuyến, trong các cử hành xin ơn chữa lành, thuộc Phụng vụ hoặc không thuộc Phụng vụ, đều phải được Giám mục giáo phận cho phép.

– Trong các cử hành xin ơn chữa lành, nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, thì phải giữ sự thận trọng cần thiết và tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh.”

“Thực hành đưa những người làm chứng lên chia sẻ trong phần bài giảng thuộc về phạm trù “giáo dân thuyết giảng”. Đúng là theo giáo luật (điều 767, 1) và được Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] (số 66) cũng như Huấn thị Bí tích Cứu độ [2004] (các số 64-66; 161) nhắc lại, việc giảng lễ chỉ dành riêng cho tư tế hoặc phó tế và không bao giờ trao cho một giáo dân.”

Theo quy định của Bộ Giáo Luật 1983, số 834: phụng vụ phải được cử hành theo đúng các nghi thức đã được thẩm quyền của Hội Thánh phê chuẩn.

Chỉ dựa vào những quy định trên của Giáo hội, chúng ta đã thấy cha Long cử hành “NGHI THỨC XIN ƠN CHỮA LÀNH” không đúng với những quy định và chỉ dẫn của Giáo Hội.

Một linh mục cử hành nghi thức phụng vụ CHỮA LÀNH MÀ KHÔNG ĐÚNG VỚI QUY ĐỊNH CỦA GIÁO HỘI thì liệu có đẹp lòng Chúa không? Việc cử hành này có dẫn giáo dân đến với Chúa không? Việc cử hành này có mang lại sự hiệp nhất và bình an cho Giáo Hội hay đang gây chia rẽ? Và việc cử hành này nhằm vinh danh Chúa hay vinh danh bản thân mình?

Tôi xin dành câu trả lời cho các bạn đọc.

Đến giờ phút này, tôi không hiểu tại sao cha Long vẫn chưa vâng phục Giáo hội để sửa sai?

Giờ đây, chúng ta cùng cầu nguyện thật nhiều cho cha Long để xin Chúa giúp cha biết khiêm tốn vâng phục Giáo hội để cha được Giáo hội hướng dẫn đi theo đúng đường lối Chúa muốn. Đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội luôn được hiệp nhất và bình an.

Đó là một chút chia sẻ, đóng góp của tôi, với ước mong xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong Giáo Hội. Nếu bạn thấy bài viết này sai, xin chỉ rõ sai chỗ nào. Còn nếu bạn thấy bổ ích cho chính mình và người khác, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nữa nhé! Nguyện xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *