Cha Dương Sỹ Nho ơi! Vai con đã mỏi rồi!

(Bài viết của một giáo dân xứ Giáp Tam, tỉnh Quảng Bình)

Những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa rồi, thời tiết hửng nắng đón xuân, lòng người ở giáo xứ Giáp Tam chúng con dường như cũng rộn ràng hơn hẳn. Đã lâu lắm rồi, ở cái xứ giáp Tam này mới đón nhận tin mừng là có cha quản xứ riêng, không còn là cha kiêm nhiệm như trước nữa. Một niềm tin, một hy vọng, một sự mong ước về một người cha sẽ là “một vị mục tử nhân lành. Một thầy cả đạo đức, thánh thiện. Một người cha nhân hậu. Một người mẹ từ bi, nhân ái. Một người bạn hiền. Nhất là một linh mục mặc lấy tâm tình của vị linh mục thượng phẩm Giêsu Kitô. Người đến để phục vụ chứ không để được phục vụ; để tha thứ chứ không phải lên án; để thương xót và được xót thương” tràn ngập trong suy nghĩ của giáo dân nơi đây.

Thế nhưng, niềm mong mỏi ấy chưa được bao lâu, khi cha Dương Sỹ Nho vừa về giáo xứ thì đã bắt con chiên chúng con nộp một người 500.000đ để đón mừng cha. Một dấu hiệu cho sự khởi đầu “đầy tiền bạc” đối với bà con. Nhiều người biết cha trước thì bảo: “ối dào, cha ở trên Hà Lời cũng hay vậy rồi”. Thôi thì xem như “lệ phí” để đón mừng “người rao truyền ý Chúa”. Thế nhưng, Tết cổ truyền Tân Sửu tới, cha lại truyền lệnh cho Hội đồng mục vụ của giáo xứ kêu gọi bà con “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” đến mừng tết cha. Mỗi người lại tiếp tục sơ sơ 500.000đ. Dường như cha Nho tận dụng tất cả mọi ngày lễ, mọi thời cơ để “tận thu” đối với bà con giáo dân vùng cồn này.

Trong không khí vui xuân đón tết, niềm hân hoan vẫn chưa kết thúc, cha lại rao giảng một tin tưởng như tin mừng nhưng lại như “tiếng sét ngang tai” đối với con và người dân nơi đây. Đó là một người sẽ phải nộp 20.000.000đ để sửa lại nhà phòng và làm mới lại nhà thờ. Xin nhắc lại là 20.000.000đ. Khi cha giảng xong, tất cả ánh mắt bà con nhìn nhau, rồi lại hỏi nhau: “Tui có nghe nhầm không O, Tui có nghe nhầm không Mệ…”. Nhầm làm sao được khi cha nhắc đi nhắc lại hai, ba lần. Đáng nói hơn, không chỉ dừng lại ở việc rao giảng tại nhà thờ về việc nộp tiền mà cha còn đi từng nhà, từng hộ giáo dân để lập danh sách nhà ai có con đi nước ngoài, có ai đi làm ăn xa không để bắt họ ngoài 20.000.000đ đó phải đóng góp thêm “cho xứng” với cái danh đi làm ăn đây đó. Và mới đây, cha đã bắt đầu chỉ đạo Hội đồng mục vụ giáo xứ tiến hành “cuộc hành trình” thu tiền giáo dân với số tiền đợt 1 là 2.000.000đ.

“Vai con đã mỏi lắm rồi cha ơi”! Đó là câu mà con đã phải thốt lên trong lòng như vậy. Trước đó theo làm cầu phao, bọn con đã phải bỏ một đống tiền cho cha Thực để làm, giờ đây trong khi nhà phòng, nhà thờ còn sử dụng tốt nhưng cha lại đòi phá bỏ để xây lại. Thử hỏi có lãng phí không cha? Ừ thì đối với cha hai mươi triệu chả đáng là bao, nhưng đối với chúng con cả năm làm sao kiếm được? Người dân ở đây bán mặt cho sông, cho biển, bán lưng cho trời, vất vả ngược xuôi thì lấy đâu ra số tiền đó. Lại còn chưa kể năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân có làm ăn được gì đâu, đã vất vả lại chất chồng vất vả. Riêng nhà con còn phải chăm bố mẹ già yếu, đứa con lớn vừa lên cấp 3, hai đứa đang cấp 2, một đứa tiểu học, còn 1 đứa nheo nhóc đòi sữa. Cha ơi, cho con hỏi con lấy gì nuôi nó? Hay con lấy toàn bộ gia tài đóng góp làm nhà thờ, còn cho chúng nó đến nhà thờ nghe giảng, cơm chẳng cần ăn, nước chẳng cần uống cũng sống qua ngày?!!!

Song Văn

Leave a Comment

Xem thêm